Project Manager 101: Bước chân đầu tiên

Cần chuẩn bị những gì để trở thành project manager. Cũng như các khó khăn, lầm tưởng mà mọi người thường mắc phải

Quan điểm

Để câu chuyện dễ theo dõi hơn, mình sẽ làm rõ một vài quan điểm sau

  1. Project manager (PM) mình đang nhắc đến là trong lĩnh vực IT.

  2. Đây là góc nhìn cá nhân của mình (từ một DEV quèn, đang học, hành làm PM). Nên rất mong các bạn đọc hoan hỉ, và góp ý để mình cải thiện thêm.

  3. Mình chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý dự án (như (2) - mình đang học, và rất may mắn đang được thử sức ở một dự án quan trọng của công ty).

Mở đầu

Xuất phát từ câu hỏi muôn thuở (thường là của các lập trình viên a.k.a dev): Sau senior thì mình làm gì tiếp theo, hay sau team leader thì mình làm gì nữa nhỉ?

Câu trả lời cho vấn đề trên là: Tuỳ theo từng tổ chức, sẽ có các chức danh, vai trò, nhiệm vụ khác nhau. Nhưng tựu chung, sẽ thường chia thành 2 hướng chính.

  1. Theo hướng kỹ thuật: Khi các bạn đi theo hướng kỹ thuật, thì mục tiêu các bạn có thể hướng đến là các Software Architecture, sau đó là Technical Consultant, xa hơn nữa, và thường là đích đến sẽ là Chief Technology Officer (a.k.a CTO)

  2. Theo hướng quản lý: Một hướng khác so với hướng kỹ thuật, sẽ là quản lý. Các mục tiêu (về mặt chức vụ) có thể kể đến như là: Project Manager (quản lý dự án), hoặc có thể là Product Manager, Product Owner, sau đó có thể hướng đến các chức vụ quản lý cấp cao như Division Manager, Director Manager, ... xa hơn là có thể là các cấp quản lý C-level

Và mình - xuất thân từ DEV, đã chọn lựa theo hướng quản lý, và bước đi đầu tiên (phù hợp với tổ chức mình đang làm việc) đó là Project Manager (PM).

Nếu các bạn thắc mắc, tại sao mình theo hướng quản lý - thì xin gặp lại bạn ở bài viết sau nhé!

Hành trình

Cuộc hành trình ngàn dặm đều bắt đầu bằng một bước chân đầu tiên nhỏ bé

Step 1: Chuẩn bị

Để làm được, hay đạt được một điều gì đó, chúng ta cần phải biết nó là gì? Để trở thành PM cũng thế, chúng ta cần phải biết PM là gì?

Project Manager là người quản lý dự án, đảm bảo rằng dự án được hoàn thành đúng thời hạn, trong ngân sách và đạt được mục tiêu được đề ra.

Vậy, làm cách nào để có thể trở thành PM?

Nếu bạn search câu hỏi trên ở google, thì sẽ ra khoảng 600k kết quả ~ 0.54(s). Điều đó đồng nghĩa với việc có không ít cách, hoặc không ít người chỉ cho bạn cách để có thể trở thành một PM. Mình sẽ không nhắc đến nó ở bài viết này. Điều mình muốn nhắc đến ở đây đó chính là Mindset (tư duy).

  1. Bạn cần chuẩn bị một tư duy phát triển - Grownth Mindset: Nó giúp bạn tập trung vào việc học hỏi, cải thiện và phát triển khả năng của mình, thay vì chỉ tập trung vào việc tránh những thách thức và thất bại

  2. Tư duy tổng thể: Cần nhìn nhận mọi vấn đề, mọi việc dưới góc độ toàn diện. Rất khác so với khi bạn đang làm dev (hoặc tester, BrSE) - nhìn nhận dự án dưới một góc độ nhất định. Việc quan sát tổng thể này sẽ thay đổi rất nhiều khi bạn chuyển sang role PM

  3. Tư duy làm việc từ TÂM: Thực ra không chỉ mỗi PM, mà bất kể vị trí nào cũng cần có tư duy này, làm việc xuất phát từ tâm, từ sự mong muốn của bản thân, sẽ giúp cho công việc của bạn có một kết quả cực kì mãn nhãn. Đồng thời, cũng sẽ giúp cho bạn có trách nhiệm. Đối với PM - người có toàn quyền trong dự án, nếu bạn làm việc hời hợt, đơn thuần chỉ là công việc thì bạn sẽ không thể tận dụng hết quyền - trách nhiệm của mình cho chính dự án mình đang dẫn dắt, và đương nhiên, bạn sẽ không thể trở thành một người PM tuyệt vời!

STEP 2: Hành động

Cách nhanh nhất và tốt nhất để bạn có thể trở thành PM trong tổ chức của chính mình, là nói chuyện với cấp lãnh đạo của bạn. Bạn cần bày tỏ nguyện vọng của bản thân mình với các cấp trên của mình. Và sẽ nhận lại được những lời khuyên, sự support từ phía công ty. Và điều này, mình nghĩa là quan trọng nhất!

Đương nhiên, chúng ta vẫn cần phải đảm bảo đủ một vài điều kiện (cần) trước đó.

  1. Kinh nghiệm là việc: Nếu bạn là một junior dev, bạn cần phấn đấu lên senior dev. Nếu bạn là một senior, cần phấn đấu lên vị trí TL, ...

  2. Kết quả công việc: Nếu công việc hiện tại của bạn chưa tốt (hoặc xuất sắc) thì trước tiên, bạn cần hoàn thành điều đó. Bạn nghĩ sao khi một DEV code chức năng nhỏ nhỏ, nhưng lại nhiều bug - muốn làm PM?

  3. Ảnh hưởng: Lãnh đạo nói chung, hay quản lý nói riêng suy cho cùng là việc bạn có ảnh hưởng (hoặc có thể ảnh hướng đến các thành viên khác) và hướng dẫn, giúp đỡ họ đạt được các mục tiêu (cá nhân, tổ chức, ...). Vì thế, việc bạn có mức độ ảnh hưởng nhất định trong team, trong phòng, hay thậm chí toàn công ty - cũng là một trong những yếu tố không thể thiếu!

Sau đó là các điều kiện đủ

  1. Kiến thức: Tập trung nâng cao kỹ năng, kiến thức. Đảm bảo cover đủ các vùng đó. Output có thể là các chứng chỉ chẳng hạn. Cách tốt nhất là xin lời khuyên của các PM đi trước. Nếu không, thì cần tham khảo các khoá học, tài liệu uy tín.

    1. Ví du: Như ở tổ chức mình đang làm việc, có các khoá học cho các key-member muốn trở thành PM

    2. PMP - chứng chỉ hành nghề uy tín cho PM. Hiện tại ở VN có khác trung tâm đào tạo để chúng ta có thể đạt được!

    3. ...

  2. Môi trường: Cần có môi trường để chúng ta có thể được học hỏi, và làm! Đây là điều rất quan trọng (đó là lý do vì sao mình đã nói là chúng ta cần sự ủng hộ của tổ chức). Nếu bạn chưa có mội trường, cần tạo ra môi trường đó bằng cách nhờ sự giúp đỡ của PM hiện tại, hoặc trưởng phòng, hoặc thậm chí là Giám đốc của chính tổ chức của bạn.

    Nên ghi nhớ rằng: Tố chức của bạn phải có chức danh PM nhé. Nếu không có thì có 2 hướng: một là tạo ra chức danh PM ở tổ chức hiện tại. Hai là đi tìm tổ chức khác!

Cuối cùng đó chính là Massive Action!

Massive action là việc thực hiện một lượng công việc lớn trong một khoảng thời gian ngắn nhằm đạt được mục tiêu đặt ra. Thay vì chỉ làm những việc cần thiết để hoàn thành công việc, người thực hiện massive action sẽ làm tất cả những gì có thể để đạt được mục tiêu của họ. Điều này bao gồm việc đưa ra kế hoạch chi tiết, đặt ra các mục tiêu cụ thể, tập trung vào những việc quan trọng và tối ưu hóa thời gian và tài nguyên để đạt được hiệu quả cao nhất.

Những khó khăn, lầm tưởng

Lầm tưởng

  1. Project manager không cần biết về kỹ thuật: Mình không biết đã nghe câu này bao nhiêu lần rồi nữa, mọi người thường nghĩ việc làm Project mananger (quản lý dự án) chẳng cần phải biết quá nhiều về kỹ thuật. Chỉ cần quản lý tốt là được. Nhưng vấn đề là, quản lý dự án trong lĩnh vực IT là một điều hoàn toàn khác. IT là một ngành, nghề thay đổi theo từng ngày, thậm chí là từng giờ! Việc bạn nắm được kỹ thuật, và có kiến thức tốt về chúng, là một lợi thế rất lớn để giúp bạn là một người PM xuất sắc!

  2. Project manager chỉ làm việc dự án: Trong thực tế, PM là người kết nối dự án với các bên liên quan (stakeholder) nhằm đảm bảo cho dự án diễn ra thuận lợi nhất.

  3. Project manager chỉ là người quản lý dự án: Theo định nghĩa thì đúng, họ chỉ là quản lý dự án. Nhưng trên thực tế, một người PM được cho là xuất sắc thì họ cũng cần phải là người leader giỏi. Họ cần phải thúc đẩy được tiềm năng của các thành viên trong dự án, tạo được môi trường, động lực cho thành viên phát triển tốt nhất có thể.

Khó khăn

  1. Bạn là một người hướng nội: Để trở thành PM, bạn cần có một kỹ năng giao tiếp, đàm phán tốt - và điều đó diễn ra hàng ngày. Rất khó khăn nếu bạn cảm thấy việc giao tiếp là khó khăn

  2. Bạn là dev (tester, ...): Như mình, một người làm về kỹ thuật, khi chuyển sang hướng đi PM, bạn không làm việc với các dòng code, các vấn đề kỹ thuật nữa. Thay vào đó là làm việc với con người! Nó sẽ không chỉ đơn giản như việc bạn tìm thấy solution cho một bài toán, bạn áp dụng, nó chỉ có đúng hoặc sai. Nhưng với con người hoàn toàn khác. Mỗi người mỗi tính, mỗi mục tiêu, mỗi cách giao tiếp, trò chuyện khác nhau. Và mình thực sự gặp khá nhiều khó khăn trong vấn đề này!

Tổng kết

Nhìn chung, việc trở thành PM (theo hướng quản lý) sẽ có vô vàn khó khăn, nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều sự thú vị. Để tiện cho bạn đọc (lười đọc như mình), mình sẽ tổng kết một vài ý chính như sau

  1. Sau Team Leader, Senior thì chúng ta sẽ làm gì?

    1. Tech: Solution Architecture -> Technical Consultant -> CTO

    2. Manager: PM (Project Manager, Product Manager) -> Division Manager -> C-level Manager

  2. Để trở thành PM cần làm (có) gì?

    1. Tư duy

    2. Kiến thức

    3. Môi trường

    4. Chú ý:

      • Cần nói chuyện với lãnh đạo (để có thể support tốt nhất cho bạn)

      • Cần tìm được môi trường có thể đáp ứng được mong muốn của bạn

      • Trước đó, cần nhìn nhận lại bản thân xem đã đủ các điều kiện để có thể bước tiếp trở thành PM chưa?

  3. Một vài lầm tưởng, khó khăn

    1. Lầm tưởng

      1. PM chỉ quản lý dự án, chỉ làm việc trong dự án

      2. PM không cần biết về kỹ thuật

    2. Khó khăn

      1. Làm việc với con người!

Cuối cùng, bài viết dự trên quan điểm cá nhân, nên sẽ có sự sai sót. Rất mong các bạn để lại ý kiến, comment cho mình!

Did you find this article valuable?

Support Hoàng Phạm ngọc by becoming a sponsor. Any amount is appreciated!